Yên Bái gắn kết du lịch - thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Thứ năm - 12/10/2023 10:24
- Thời gian qua, phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản và sản phẩm OCOP được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại “lợi ích kép” cho khu vực nông nghiệp, nông thôn của Yên Bái

Sau khi triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh luôn quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm của tỉnh được tiêu thụ qua rất nhiều các kênh phân phối; trong đó có việc gắn việc phát triển du lịch với tiêu thụ các sản phẩm đặc sản địa phương. Thông qua các lễ hội như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò; Lễ hội khám phá Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Trà Shan tuyết, huyện Văn Chấn; Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu...

Picture1
Khách hàng chọn mua sản phẩm Trà táo mèo Shan Thịnh về làm quà.

Khi đến lễ hội, du khách không những được trải nghiệm những hoạt động du lịch đặc sắc mà được tham quan thực tế nơi sản xuất, chế biến những đặc sản của tỉnh, biết được đằng sau sản phẩm là những câu chuyện về lịch sử, văn hoá của đồng bào dân tộc. Điều này cũng đã làm tăng giá trị của sản phẩm địa phương.
Trở về từ chuyến du lịch Suối Giàng, huyện Văn Chấn, chị Nguyễn Phương Thảo ở Hà Nội chia sẻ: "Lên với vùng chè Shan tuyết cổ thụ, chúng tôi được tận hưởng không khí trong lành, tham quan rừng chè được trải nghiệm các hoạt động hái chè, sao chè... Đặc biệt, khi về trong đoàn ai cũng mua 1 túi trà đặc sản về làm quà. Trà ở đây rất ngon, hương thơm mát, nước xanh, mẫu mã bao bì cũng bắt mắt rất phù hợp để làm quà biếu, tặng khi mình đi du lịch về".
Với lợi thế ở gần đồi mâm xôi -  điểm du lịch nổi tiếng của huyện Mù Cang Chải, anh Hờ A Rùa, xã La Pán Tẩn vừa làm du lịch cộng đồng vừa kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương như táo mèo, rượu táo mèo, mật ong và măng ớt…
Theo anh Rùa, Mù Cang Chải có khí hậu mát mẻ, tầng thực vật đa dạng đã cho ra nhiều sản phẩm nông sản đặc sản từ thiên nhiên kết hợp với kinh nghiệm, bí quyết chế biến của bà con đã tạo ra những sản phẩm mang hương vị riêng nên rất được lòng du khách trong và ngoài nước.

Anh Rùa cho biết: "Du khách đến Mù Cang Chải rất thích mua các sản phẩm ở đây như mật ong, táo mèo… Vì thế, bà con vừa phát triển du lịch vừa có thêm nguồn thu từ bán nông sản”.

Mặc dù đã mua rất nhiều quả táo mèo tươi để về ngâm rượu tại chợ Mù Cang Chải trong chuyến du lịch cùng công ty nhưng khi về đến thành phố Yên Bái, chị Nguyễn Thị Len ở thành phố Ninh Bình cùng đoàn vẫn ghé qua cửa hàng đặc sản vùng miền của Hợp tác xã Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương để mua thêm các sản phẩm chế biến từ quả táo mèo.
"Tôi rất ấn tượng với các sản phẩm đặc sản của vùng cao Yên Bái, từ sản phẩm du lịch đến các sản vật đều rất đặc trưng, như quả táo mèo chẳng hạn, tôi không nghĩ nó có thể chế biến ra nhiều sản phẩm như vậy. Tôi đã mua cả ô mai, mứt, dấm và rượu để về làm quà”… Chị Len chia sẻ.
Nằm ở trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ - nơi có nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, gia đình chị Lường Thị Hoàn, xã Nghĩa An có 4 thành viên nằm trong đội văn nghệ xã thường xuyên tham gia tập luyện, biểu diễn các tiết mục múa xòe, hát Khắp Thái phục vụ cho các sự kiện du lịch tại địa phương.
Nhờ đó, chị có cơ hội tiếp cận với nhiều đoàn du khách, giao lưu với các tỉnh bạn trong khu vực, nắm bắt cơ hội này, chị Hoàn đã cùng các thành viên trong gia đình giới thiệu một số món ăn đặc sản như thịt lợn hun khói, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, lạp xưởng… Chị Hoàn chia sẻ: "Mình rất vui vì không những quảng bá được nét đẹp du lịch mà còn giới thiệu cho du khách được thưởng thức văn hóa ẩm thực của dân tộc mình”.
Yên Bái hiện có 206 sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao và 185 sản phẩm đạt 3 sao. Đây đều là những sản phẩm đặc sản vùng miền không chỉ có giá trị kinh tế mà còn chứa đựng nét đẹp về văn hóa của người dân bản địa.
Việc gắn phát triển du lịch với tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản không chỉ dừng lại ở cá nhân các hộ gia đình mà còn cần đa dạng các hình thức giới thiệu thiệu sản phẩm như: thông qua các hội thi, hội chợ triển lãm, cửa hàng giới thiệu nông sản hay qua các lễ hội, các hoạt động trải nghiệm là sự kết hợp đan xen mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và du lịch.
Tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương thông qua hoạt động du lịch hiện đang là một kênh phân phối hữu ích, giúp cho người dân có thể bán được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt là các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như: Chè Shan tuyết Suối Giàng, Cam Văn Chấn, Gạo Mường Lò, Mật ong Mù Cang Chải… hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.

Nguồn tin: Hồng Duyên - Báo Yên Bái:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu về SUDECOM

Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) Tên viết tắt: SUDECOM Tên cơ quan: Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi Giám đốc: Lê Thị Hồng Hiệp Địa chỉ:  Tổ 3, phường Yên Thịnh, TP. Yên Bái, Yên Bái (cách km6,...

10 năm thành lập Sudecom
Thăm dò ý kiến

Bạn biết về SUDECOM qua đâu?

Sudecom Fanpage
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây