Hồ Thác Bà nằm trên địa bàn huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Hồ rộng 23.400ha, diện tích mặt nước là 19.050ha, dài gần 80km, mực nước dao động từ 46m đến 58m, sức chứa khoảng 3,9 tỷ m3 nước.
Hồ Thác Bà có nhiệm vụ điều tiết lũ, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, sản xuất điện, du lịch, giao thông đường thủy nội địa, nuôi trồng thủy sản, và là nguồn nước sinh hoạt cho hơn 100.000 người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình.
Do nắng nóng kéo dài, khiến các nguồn nước đầu nguồn về rất thấp. Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà, đến 10 giờ ngày 25/5, mực nước hồ là 45,85m. Thấp hơn mực nước chết 15cm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh và các hoạt động trên hồ Thác Bà.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà cho biết, do mực nước đã dưới ngưỡng cho phép (mực nước chết), cho nên đơn vị chỉ duy trì dòng chảy tối thiểu, hạn chế việc phát điện thương phẩm. Hiện chỉ phát đạt 200.000 kW/ngày, thấp hơn rất nhiều công suất hiện có.
Thông thường, đá được chuyên chở bằng đường thủy, với các sà-lan tải trọng 500 tấn được ca-nô lai dắt mỗi chuyến đạt 1.000 tấn/chuyến. Nay nước hồ cạn dưới mực nước chết, hai đầu bến đều trơ cạn, không bảo đảm vận chuyển bằng đường thủy.
Ông Lò Văn Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình cho hay, do chủ động nguồn nguyên liệu khoảng 120.000 tấn luôn sẵn tại nhà máy, bảo đảm sản xuất đủ trong vài tháng mùa nước hồ cạn. Mặt khác, nhà máy tiến hành dừng lò, bảo dưỡng định kỳ vào thời gian này, cho nên chủ động được việc vận chuyển đường thủy.
Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cho biết, chưa năm nào nước hồ cạn thế này, đơn vị phải đầu tư gần 5 triệu đồng mua máy bơm mới, đường ống, phao nổi… để lấy nước sinh hoạt phục vụ hơn 700 học viên cai nghiện ma túy tại đây. "Nếu thời gian nước cạn kéo dài, hàng trăm lồng, bè cá nuôi trên hồ sẽ thiếu ô-xy, ngạt khí mà chết, thiệt hại rất lớn" - ông Lê Công Huấn chia sẻ.
Do mực nước hồ xuống quá thấp, Nhà máy Nước Yên Bái đã triển khai hệ thống phao nổi, đưa họng nước máy bơm ra xa, nhằm bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm do tác động môi trường.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Yên Bái.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới cho người dân để nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động tích trữ và sử dụng nước hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nước. Triển khai các biện pháp cấp nước sinh hoạt, lắp đặt vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu vực không bảo đảm nguồn nước.
Để bảo đảm hài hòa lợi ích của các đơn vị cùng hưởng lợi từ mặt nước hồ Thác Bà, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà cần bảo đảm mực nước theo quy định theo thiết kế để tạo thuận lợi cho vận tải thủy, nuôi trồng thủy sản, nước sạch sinh hoạt…vì mục tiêu chung của tỉnh Yên Bái.
Nguồn tin: NGUYỄN THANH SƠN – Báo Nhân Nhân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) Tên viết tắt: SUDECOM Tên cơ quan: Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi Giám đốc: Lê Thị Hồng Hiệp Địa chỉ: Tổ 3, phường Yên Thịnh, TP. Yên Bái, Yên Bái (cách km6,...