Tín hiệu tốt lành từ một dự án của SUDECOM

Thứ sáu - 21/04/2017 21:54
YBĐT - Năm 2008, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Bền vững Cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) triển khai thực hiện dự án "Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình" do Tổ chức Bánh mỳ thế giới tài trợ tại phường Yên Thịnh và xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái
47922 tin


Họ là những người phụ nữ hết mực thương chồng yêu con, nhưng lại phải chịu đựng sự khổ đau, buồn tủi vì bị chồng thường xuyên chửi mắng, đánh đập... Không biết chia sẻ vùng ai, họ đành ngậm ngùi chịu đựng, hy vọng... Và niềm hy vọng ấy đã có những tín hiệu tốt lành.

Đó là chị H ở phường Y. Hai vợ chồng chị sống chung với nhau đã được 17 năm và có 2 con trai, anh lái xe nay đây mai đó, chị buôn bán ngoài chợ và chăm lo cho cuộc sống gia đình. Trước đây, kinh tế còn khó khăn, vợ chồng cùng chung sức lo toan làm ăn và chăm sóc, nuôi dạy con cái, cuộc sống hòa thuận.

Vài năm trở lại đây, khi đời sống đã khá dần lên thì anh lại uống rượu nhiều. Mà anh cứ uống rượu là hai vợ chồng lại xảy ra xung đột: anh chửi mắng vợ con, chị cũng bức xúc lời ra tiếng vào, thế là anh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Chị H rất buồn chán, muốn tìm đến giải pháp ly hôn.

Trường hợp bà Phạm Thị T, năm nay 69 tuổi cũng ở phường Y đã nghỉ hưu gần 20 năm. Đáng ra, ở tuổi này, bà được hưởng cuộc sống an nhàn, thảnh thơi, thế nhưng lại khổ vì con. Ba người con trai vốn không có nghề nghiệp ổn định, không chịu làm ăn, chỉ thích chơi bời lêu lổng nên đều nghiện ma túy, đứa con trai út đã nhiễm HIV ở giai đoạn cuối.

Cả nhà trông tất vào đồng lương hưu ít ỏi của bà. Hằng ngày, bà vẫn phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Nhiều lần, hết tiền hút chích, các con bà thường đe nạt, dọa dẫm mẹ. Bà khổ tâm nhưng cũng chẳng dám kêu ai vì các con nghiện ma túy nên bà mặc cảm ngại tiếp xúc với mọi người.

Chị Trần Thị H năm nay mới 22 tuổi, ở xã T, có 1 con trai 3 tuổi. Bình thường, vợ chồng hòa thuận nhưng cứ mỗi lần anh uống rượu thì chị đều bị chửi mắng, đánh đập. Nhiều lần như vậy chị H định bỏ về nhà mẹ đẻ để sống cho yên thân. Song thương con, sợ liên lụy đến gia đình, chị lại âm thầm chịu đựng.

Còn chị Lương Thị T, cũng ở xã T, năm nay 37 tuổi, có 3 con: 1 con trai, 2 con gái. Chị ở nhà chăn nuôi, trồng trọt, còn chồng đi làm thuê nay đây mai đó. Khi chồng có quan hệ bất chính với người khác, vợ chồng chị liên tục xảy ra xô xát, nhiều lần chị bị chồng chửi mắng, lăng mạ và đánh đập. Không những thế, anh còn quản lý hết kinh tế gia đình. Nếu chị có hỏi đến tiền thì bị đấm đá, thậm chí còn bị bóp cổ. Dù bị đối xử như thế nhưng chị T vẫn âm thầm, nhẫn nhục chịu đựng vì "xấu chàng hổ ai".

Đó chỉ là bốn trong số rất nhiều trường hợp bạo lực gia đình xảy ra tại thành phố Yên Bái. Tìm hiểu vấn đề, nhận thấy nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn, chồng hay uống rượu, nghiện ma túy, vợ hoặc chồng ngoại tình…

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận đôi khi người vợ còn chưa thật khéo léo trong cách cư xử, nhất là lúc chồng đang say, dẫn đến tình trạng bạo hành.

Năm 2008, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Bền vững Cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) triển khai thực hiện dự án "Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình" do Tổ chức Bánh mỳ thế giới tài trợ tại phường Yên Thịnh và xã Tân Thịnh.

Dự án đã thành lập phòng tư vấn tại Trung tâm SUDECOM và thành lập 2 nhóm tư vấn tại 2 xã, phường này với sự tham gia của 22 tình nguyện viên. Sau 9 tháng đi vào hoạt động, các tình nguyện viên đã tư vấn cho trên 120 trường hợp bị bạo lực gia đình.

Các nhóm tư vấn thực sự trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác tuyên truyền, tư vấn để giúp các chị em khéo ứng xử, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân khi xảy ra bạo lực.

Cũng nhờ đó, thời gian qua, xã Tân Thịnh và phường Yên Thịnh đã hòa giải trên 60 trường hợp xảy ra bạo lực gia đình về thể xác, tinh thần, tình dục và kinh tế; giúp hòa thuận trở lại được 80% vụ mâu thuẫn. Cùng với hoạt động tư vấn, thông qua các lớp tập huấn kiến thức dành cho nam giới cũng đã giúp họ nhận ra những việc làm là vi phạm pháp luật của mình.

Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình tại 2 thôn của xã Tân Thịnh, 3 tổ nhân dân của phường Yên Thịnh được chọn làm điểm thực hiện dự án đã giảm rõ rệt. Đây thực sự là một tín hiệu tốt lành.

Quỳnh Nga

Nguồn tin: www.baoyenbai.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về SUDECOM

Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) Tên viết tắt: SUDECOM Tên cơ quan: Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi Giám đốc: Lê Thị Hồng Hiệp Địa chỉ:  Tổ 3, phường Yên Thịnh, TP. Yên Bái, Yên Bái (cách km6,...

10 năm thành lập Sudecom
Thăm dò ý kiến

Bạn biết về SUDECOM qua đâu?

Sudecom Fanpage
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây