Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM)

http://www.sudecom.vn


Trao cho nhựa vòng đời mới từ những hành động đơn giản

Là một vật liệu thiết yếu và hữu ích nhưng nhựa lại mang tiếng xấu vì khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Để chung tay bảo vệ môi trường, chúng ta cần hiểu hơn về nhựa và thay đổi mối quan hệ của mình với rác thải nhựa.

Những điều ít ai biết về rác thải nhựa

Tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa không quá khó như bạn nghĩ mà còn là một cách để tiết kiệm nguyên liệu hóa thạch và tăng tính ứng dụng cho các sản phẩm từ nhựa tái chế. Những chai nhựa xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày như chai dầu ăn, nước tương, nước ngọt, dầu gội đầu… thực chất đều có thể được tái chế, tái sử dụng để “biến hóa” thành vô số vật dụng hữu ích không ngờ. Một trong những cách tái sử dụng chai nhựa tại nhà phổ biến và đơn giản nhất là dùng chúng làm những chậu cây hay ống đựng bút… Trong khi đó, nhờ tái chế, sáu chai nhựa, đặc biệt là nhựa trong suốt có thể trở thành một chiếc áo lớn, 3.200 chai nhựa có thể được tận dụng làm thành một cái ghế dài. Tại Thế vận hội Tokyo 2020, những bục trao huy chương được làm từ rác thải nhựa là một trong những sáng kiến thân thiện với môi trường của ban tổ chức.

01
Chai nhựa PET trong có thể được tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích.

Có thể thấy rằng hạn chế lượng rác thải nhựa thải ra môi trường tự nhiên bằng cách trao cho nhựa vòng đời mới đang dần trở thành mục tiêu hành động tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều tổ chức được thành lập để đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng nhựa một cách bền vững nhất. Nổi bật có thể kể đến PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam), một tổ chức phi lợi nhuận với các thành viên sáng lập là các công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam như Coca-Cola. Mục tiêu của PRO Việt Nam là tiên phong phối hợp cùng Chính phủ cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững, cùng hành động vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp.

Bạn đã sẵn sàng sử dụng nhựa một cách bền vững?
Có nhiều cách để chúng ta giúp nhựa được thu gom và tái chế dễ dàng, chẳng hạn như ưu tiên chọn sử dụng vật liệu dễ tái chế như nhựa trong suốt thay vì nhựa màu. Đơn cử như mới đây, Coca-Cola đã giới thiệu ra thị trường Việt Nam sản phẩm chai Sprite với bao bì nhựa trong suốt thay thế chai nhựa xanh lá quen thuộc, sau khi triển khai sáng kiến này tại Mỹ, nhiều nước Tây Âu và Đông Nam Á khác. Đây là một nỗ lực nhằm thực hiện cam kết “Vì một thế giới không rác thải” của Coca-Cola. Nghiên cứu đã cho thấy chuyển từ nhựa PET có màu sang nhựa PET trong suốt, vốn có giá trị và nhu cầu cao đối với kinh tế tuần hoàn, sẽ giúp gia tăng nguồn nguyên liệu dùng cho tái chế và tái sử dụng.

02
Phân loại rác thải nhựa đúng cách để thúc đẩy thu gom, tái chế nhựa

Bên cạnh đó, phân loại rác đúng cách ngay từ hộ gia đình cũng góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế. Chúng ta còn có thể chủ động tìm kiếm các địa điểm thu gom nhựa tái chế tại địa phương hoặc tham gia các chương trình thu gom, thu đổi chai nhựa, qua đó trao cho nhựa một vòng đời mới, thay vì chỉ được sử dụng một lần và kết thúc tại bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

Nhựa không xấu, quan trọng là cách chúng ta đối xử với nhựa. Bằng những hành động nhỏ như ưu tiên sử dụng nhựa dễ tái chế như nhựa trong suốt, phân loại rác thải nhựa đúng cách, tham gia các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về rác thải nhựa…, chính bạn đã góp phần vào việc trao cho nhựa một vòng đời mới đầy ý nghĩa.

Nguồn tin: Lệ Thanh vietnamnet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây