Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM)

http://www.sudecom.vn


Bảo vệ động vật hoang dã: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Vùng miền núi nước ta là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng như có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm.

Những năm qua, tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD tại khu vực này thường xuyên xảy ra, do đó, cần những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn cũng như ổn định sinh kế cho người dân.

Những chợ bán động vật hoang dã công khai

Đi trên Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chúng tôi chứng kiến cảnh các loài ĐVHD như: Sóc, dúi rừng… bị bày bán công khai. Các con vật bị treo ngược trên thanh tre, giãy giụa đau đớn, máu rỉ ra từ những vết thương trên thân con vật khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Qua tìm hiểu, được biết, số ĐVHD này người dân bẫy được tại các cánh rừng thuộc huyện Vân Hồ, là “mặt hàng” khá phổ biến với giá bán từ 100.000-200.000 đồng/con. Đặc biệt, theo một người bán, nếu khách hàng có nhu cầu mua những loài ĐVHD “cao cấp” hơn như cầy hương, lửng lợn, lợn rừng… thì người bán vẫn có thể đáp ứng được.

DVHD
ĐVHD Treo bán sóc ven đường Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Bên cạnh việc ngang nhiên bày bán ĐVHD, dụng cụ bẫy cũng có thể tìm mua dễ dàng. Anh Tráng A Sồng, người dân sinh sống tại xã Vân Hồ (một xã nhỏ thuộc huyện Vân Hồ) cho biết: “Bẫy kiềng và bẫy kẹp là hai loại bẫy được thợ săn sử dụng nhiều nhất, được bán tại các chợ, lò rèn. Mỗi sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy kích cỡ, thường dùng để bẫy các loài động vật như: Dúi, sóc, chồn, lửng lợn, cầy hương, lợn rừng, nhím, mèo rừng…”. Theo một số người dân, ngoài mục đích phục vụ bữa ăn gia đình, việc săn bắt ĐVHD còn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại lợi nhuận kinh tế. Trong đó, lửng lợn và cầy hương là những loài được thương lái định giá cao và “đặt hàng” nhiều nhất.

Không chỉ dừng ở việc săn bắt, buôn bán ĐVHD, hoạt động của người dân địa phương cũng khiến môi trường sống của nhiều loài ĐVHD bị thu hẹp. Đơn cử như loài vượn đen má trắng được xếp vào nhóm I trong Danh mục động vật rừng nguy cấp, nhóm nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam.

Khi đến thăm một cánh rừng tự nhiên tại xã Vân Hồ, nơi được xác định có hơn 10 cá thể vượn đen má trắng đang sinh sống, chúng tôi chứng kiến nhiều mảnh rừng bị tàn phá để làm nương, rẫy.  Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, loài vượn đen má trắng có yêu cầu rất khắt khe về môi trường sống, nếu sinh cảnh rừng tiếp tục bị chia cắt bởi hoạt động phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ của con người thì các cá thể vượn đen má trắng quý hiếm sẽ đối mặt với nguy cơ mất nơi ở và nguồn thức ăn, chưa kể đến tình trạng săn bắt vẫn diễn ra nhức nhối.

Được biết, nguyên nhân việc ĐVHD bị săn bắt vẫn diễn ra phổ biến do Vân Hồ là huyện miền núi, địa hình nhiều nơi rất hiểm trở, nhất là những xã như Vân Hồ, Lóng Luông, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, từ đó ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ rừng cũng như ĐVHD bị hạn chế. Trong khi đó, lực lượng đảm nhận công tác về bảo tồn đa dạng sinh học còn thiếu, khu vực quản lý lại rộng. Địa bàn này nhiều năm qua cũng là nơi tập trung của nhiều đường dây buôn bán ĐVHD liên tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng.

Tạo sinh kế bền vững từ du lịch, nuôi trồng

Để có những giải pháp hiệu quả, giải quyết được tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép, trước tiên cần có cái nhìn đúng đắn dưới góc độ văn hóa và cộng đồng người dân tộc thiểu số. Theo PGS, TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, tập quán sinh sống dựa vào rừng đã gắn liền với đồng bào DTTS từ lâu đời.

Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền sở tại và cấp bản, để tuyên truyền giúp bà con hiểu được tầm quan trọng của rừng. Khi tạo được sự đồng thuận của bà con, có thể đan xen những quy định của pháp luật về bảo vệ rừng vào hương ước của bản (quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực) nhằm phát huy tính cộng đồng của đồng bào DTTS trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Trịnh Lê Nguyên cho rằng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, định hướng nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững, giảm dần việc sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó, khí hậu Vân Hồ rất thích hợp để trồng các loại rau, cây ăn quả như: Su su, hồng giòn, đào, cam… Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, chính quyền địa phương cần đưa ra các chính sách hỗ trợ bà con, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sản xuất, gợi ý những mô hình hay cho bà con học tập. Ngoài ra, với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, người dân có thể phát triển các mô hình chăn nuôi ĐVHD phù hợp với quy định của pháp luật để góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống, đẩy lùi hoạt động săn bắt ĐVHD. Bên cạnh đó, du lịch cũng là một điểm mạnh không chỉ của tỉnh Sơn La mà còn của nhiều tỉnh miền núi nước ta với nhiều mô hình du lịch homestay (loại hình lưu trú khách du lịch ngủ, nghỉ tại nhà người dân) kết hợp trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thôn, bản do đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ. Vì vậy, đây cũng là một hướng đi cần được đẩy mạnh hơn nữa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Nguồn tin: Nguồn: Đoàn Thu Thảo/Quân đội Nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây